

Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2 .Theo số liệu ước định, có khoảng 2 vạn tù nhân yên nghỉ tại Côn Đảo. Tuy nhiên không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa đầu tiên được lập ở khu vực Chuồng Bò (Di tích bãi sọ người), sau dời lên Hàng Keo. Đến sau năm 1934 và nhất là giai đoạn 1941, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã giết hại hàng ngàn tù nhân. Nghĩa địa Hàng keo hầu như hết chỗ, thực dân Pháp mới mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù.
Hiện nay NTHD được chia làm 4 khu: A-B-C và D ( Riêng khu B được chia ra làm 2 phần B1 và B2).
Khu A Nghĩa trang Hàng Dương, là nơi chôn những ngôi mộ đầu tiên (Khoảng năm 1934), ở đó có phần mộ của đồng chí Lê Hồng Phong (Cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ), chí sỹ yêu nước Nguyễn An Ninh. Anh hùng LLVTND VN Vũ Văn Hiếu.
Đến cuối năm 1944, khu A đã chôn chật mộ, nhà tù đã mở rộng nghĩa trang về phía Nam, tức khu B hiện nay. Hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) được chôn kế tiếp từ đồi cát chạy dài xuống phía Đông Nam, nơi có các phần mộ của nữ AHLLVTNDVN Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Trung, Lưu Chí Hiếu, Hồ Văn Năm
Hài cốt lớp tù nhân chống Mỹ được chôn vào phần còn lại của khu B (Còn gọi là khu B2) .
Đến khoảng năm 1960 chôn tiếp qua khu C. Ở đây có phần mộ của anh hùng LLVTND VN Lê Văn Việt, Nguyễn Thị Thanh (Trần Thị Hoa), Hùynh Tấn Lợi.
Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19/12/1992. Ngoài 3 khu mộ được phân định trên, công trình tôn tạo còn lập thêm khu D, đây là nơi quy tập hài cốt từ nghĩa trang Hàng Keo, Hòn Cau và 1 số nơi khác trên Côn Đảo về. Nơi đây có phần mộ AHLLVTNDVN Trần Văn Thời.
Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo là di tích căm thù, có giá trị tố cáo chế độ thực dân đế quốc, đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào ngày 10/5/2012.